Chuyển nhầm tiền vào tài khoản người khác phải làm sao? Nếu lỡ chuyển nhầm tiền vào tài khoản người khác có lấy lại được không? Dưới đây công ty thám tử Hoàn Cầu sẽ giải đáp và hướng dẫn các bạn thủ tục liên quan đến việc chuyển khoản nhầm số tài khoản ngân hàng một cách chi tiết.
(Chuyển khoản nhầm – Ảnh minh họa)
Chuyển khoản nhầm số tài khoản ngân hàng người khác là một hình thức tuy rất ít xảy ra trên thực tế, tuy nhiên do một số vấn đề mà người chuyển khoản có thể chuyển nhầm sang một tài khoản khác, từ đó khiến cho chủ tài khoản mất thời gian và công sức của mình, và liệu rằng việc chuyển nhầm tiền cho tài khoản người khác có thể lấy lại được không?
1. Chuyển nhầm tiền vào tài khoản người khác có lấy lại được không?
Khi chuyển nhầm tiền vào tài khoản người khác thì người chuyển khoản nhầm vẫn có thể lấy lại được, bằng cách liên hệ đến ngân hàng để xin thông tin của chủ tài khoản nhận nhằm mục đích liên lạc lấy tiền chuyển nhầm, hoặc có thể thực hiện lệnh tra soát trực tuyến để thu hồi lệnh chuyển khoản nhầm trước đó.
Theo quy định pháp luật, khi nhận được chuyển khoản nhầm thì người nhận được có nghĩa vụ phải hoàn trả lại số tiền đó cho chủ tài khoản, trường hợp không biết chủ tài khoản là ai thì có thể liên hệ đến ngân hàng, hoặc ủy ban nhân dân để thông báo tìm kiếm công khai.
Tại điểm c, d Điều 5 Thông tư 23/2014/TT-NHNN quy định về nghĩa vụ hoàn trả khi nhận chuyển tiền nhầm từ người khác như sau:
“Điều 5. Quyền và nghĩa vụ của chủ tài khoản thanh toán
c) Kịp thời thông báo cho tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán nơi mở tài khoản khi phát hiện thấy có sai sót, nhầm lẫn trên tài khoản của mình hoặc nghi ngờ tài khoản của mình bị lợi dụng;
d) Hoàn trả hoặc phối hợp với tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán hoàn trả các khoản tiền do sai sót, nhầm lẫn đã ghi Có vào tài khoản thanh toán của mình” 1.
Như vậy, trong trường hợp nhận được tiền chuyển khoản nhầm của người khác thì chủ tài khoản có nghĩa vụ phải thông báo đến ngân hàng về việc nhận chuyển khoản nhầm, đồng thời hoàn trả lại số tiền đã nhận chuyển nhầm đó.
Ngoài ra, tại Điều 579 Bộ luật dân sự 2015 cũng có quy định về nghĩa vụ hoàn trả như sau:
“Điều 579. Nghĩa vụ hoàn trả
1. Người chiếm hữu, người sử dụng tài sản của người khác mà không có căn cứ pháp luật thì phải hoàn trả cho chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản đó; nếu không tìm được chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản thì phải giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp quy định tại Điều 236 của Bộ luật này” 2.
Theo quy định nêu trên, nếu như nhận được tiền chuyển khoản nhầm từ người khác mà không có căn cứ xác định số tiền đó thuộc sở hữu của mình (giữa người nhận và người chuyển không có mối liên hệ với nhau) thì người nhận tiền chuyển khoản nhầm có nghĩa vụ phải trả lại cho chủ tài khoản chuyển nhầm.
Trong trường hợp không biết chủ tài khoản là ai thì có thể liên hệ đến ngân hàng để giao trả lại số tiền đã chuyển nhầm, hoặc có thể liên hệ đến Ủy ban nhân dân để thông báo tìm kiếm công khai. Sau thời hạn thông báo tìm kiếm công khai 1 năm mà không có ai đến nhận hoặc liên hệ nhận lại tài sản thì lúc này tùy thuộc vào số tiền chuyển nhầm đó mà bạn sẽ được chia theo tỷ lệ nhất định.
2. Chuyển nhầm tiền vào tài khoản người khác làm sao để lấy lại?
Để lấy lại tiền khi chuyển khoản nhầm cho người khác thì các bạn sẽ có 4 cách thực hiện như sau:
2.1. Liên hệ đến ngân hàng để được hỗ trợ lấy lại tiền chuyển khoản nhầm
– Quy trình như sau: Chuẩn bị giấy tờ tùy thân chứng minh chủ tài khoản –> Liên hệ đến ngân hàng trong giờ hành chính –> Trình bày về việc chuyển tiền nhầm –> Ngân hàng kiểm tra, xác minh và liên lạc với chủ tài khoản nhận –> Nếu chủ tài khoản nhận đồng ý trả thì ngân hàng sẽ trừ tiền của người đó –> Cộng lại vào tài khoản cho bạn đúng số tiền bạn đã chuyển nhầm.
Trước tiên, khi chuyển nhầm tiền vào tài khoản ngân hàng người khác thì bạn hãy liên hệ đến ngân hàng của bạn để trình bày về việc bạn chuyển khoản nhầm, khi đi mang theo giấy tờ tùy thân chứng minh bạn là chủ tài khoản.
Sau khi liên hệ đến ngân hàng, nếu như số tài khoản của người nhận cùng hệ thống ngân hàng thì ngân hàng sẽ liên lạc với chủ tài khoản đó qua số điện thoại để trình bày về việc chuyển khoản nhầm của bạn, nếu chủ tài khoản đó đồng ý trả lại cho bạn thì ngân hàng sẽ tự động trừ tiền của người đó và cộng lại vào tài khoản của bạn đúng với số tiền mà bạn đã chuyển nhầm
Truy nhiên, trong nhiều trường hợp ngân hàng không liên hệ được với chủ tài khoản nhận, hoặc chủ tài khoản nhận không đồng ý trả lại số tiền đó thì ngân hàng cũng không có quyền tự ý trừ tiền của họ rồi cộng lại cho bạn.
Lúc này, bạn có thể thực hiện bằng cách biện pháp tiếp theo như kiện chủ tài khoản ra Tòa án dân sự, hoặc yêu cầu xử lý vi phạm hành chính, hoặc thậm trí nếu số tiền bạn chuyển nhầm lớn hơn 10 triệu thì bạn có thể yêu cầu truy cứu trách nhiệm hình sự để buộc hoàn trả. Ở dưới công ty thám tử Hoàn Cầu sẽ giới thiệu chi tiết cách thực hiện.
2.2. Gửi yêu cầu “Tra soát trực tuyến” để lấy lại tiền chuyển khoản nhầm
Hiện nay, ngân hàng đã ra mắt tính năng tra soát trực tuyến giúp người dùng có thể thực hiện việc hủy lệnh chuyển tiền nếu như chuyển khoản nhầm cho người khác một cách dễ dàng mà không cần phải liên hệ đến ngân hàng trong giờ hành chính, người chuyển tiền nhầm có thể thực hiện bất kỳ lúc nào cũng được, chỉ cần một chiếc điện thoại có kết nối với internet là có thể thực hiện được.
Quy trình như sau: Đăng nhập vào ứng dụng Internet Banking trên điện thoại –> Chọn tiện ích Tra soát trực tuyến –> Chọn Lập yêu cầu tra soát –> Chọn hình thức giao dịch –> Chọn số tài khoản đã chuyển nhầm (nếu có nhiều tài khoản) –> Chọn thời gian mà bạn chuyển tiền nhầm –> Bấm tra cứu –> Chọn vào giao dịch mà bạn đã chuyển khoản nhầm –> Tại mục loại yêu cầu tra soát, các bạn chọn “hỗ trợ hoàn trả giao dịch chuyển tiền” –> Tại mục lý do tra soát, các bạn chọn “chuyền nhầm người hưởng” –> Tích vào mục điều khoản và cam kết –> Bấm tiếp tục và làm theo hướng dẫn trên màn hình để gửi yêu cầu tra soát.
Sau khi bạn gửi yêu cầu tra soát thì “trong thời hạn tối đa 30 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận đề nghị tra soát,…. ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có trách nhiệm xử lý đề nghị tra soát, khiếu nại của khách hàng 3.
Sau khi bạn gửi yêu cầu tra soát với lý do là chuyển nhầm người hưởng, ngân hàng sẽ xem xét và giải quyết yêu cầu của bạn, bạn có thể lấy lại tiền chuyển nhầm một cách hiệu quả.
Các bạn tìm hiểu chi tiết cách hủy lệnh chuyển tiền và làm theo hướng dẫn để lấy lại tiền đã chuyển nhầm một cách nhanh chóng.
2.4. Yêu cầu xử lý vi phạm hành chính để buộc trả lại số tiền đã chuyển nhầm
Trong trường hợp ngân hàng đã liên hệ thông báo đến chủ tài khoản nhận để hoàn trả nhưng chủ tài khoản vẫn không chịu trả lại số tiền đã chuyển khoản nhầm trước đó thì bạn có thể yêu cầu cơ quan chức năng xử lý vi phạm hành chính, đồng thời áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc trả lại số tiền đã chiếm đoạt trái pháp luật đó cho bạn.
Tại điểm đ khoản 2 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về mức xử phạt vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả như sau:
“Điều 15. Vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của tổ chức, cá nhân khác
2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
đ) Sử dụng, mua, bán, thế chấp, cầm cố trái phép hoặc chiếm giữ tài sản của người khác;
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
b) Buộc trả lại tài sản do chiếm giữ trái phép đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm đ và e khoản 2 Điều này” 4;
Như vậy, khi người nhận cố tình không hoàn trả lại số tiền mà bạn đã chuyển khoản nhầm thì bạn có thể yêu cầu xử lý vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả là buộc trả lại số tiền đã nhận chuyển nhầm lại cho bạn.
Về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính khi không trả lại tiền chuyển khoản nhầm: Tại khoản 2 Điều 78, điểm b khoản 2 Điều 68 Nghị định 144/2021/NĐ-CP thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền. Do đó, bạn hãy làm đơn yêu cầu xử lý vi phạm hành chính và gửi đến Ủy ban nhân dân nơi chủ tài khoản nhận đang sinh sống, hoặc Ủy ban nhân dân huyện nơi bạn đang sinh sống.
2.5. Yêu cầu truy cứu trách nhiệm nếu số tiền chuyển nhầm trên 10 triệu
Trong trường hợp bạn chuyển nhầm tiền vào tài khoản người khác số tiền lớn hơn 10 triệu đồng, mặc dù đã được ngân hàng thông báo nhưng chủ tài khoản nhận cố tình không trả lại cho bạn thì bạn có thể yêu cầu truy cứu trách nhiệm hình sự để lấy lại số tiền mà bạn đã chuyển nhầm.
Tại điều 176 Bộ luật hình sự 2015 quy định về tội chiếm giữ trái phép tài sản như sau:
“Điều 176. Tội chiếm giữ trái phép tài sản
1. Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng,…. sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội chiếm giữ tài sản trị giá 200.000.000 đồng trở lên hoặc bảo vật quốc gia, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm” 5;
Theo quy định trên, nếu như ngân hàng đã thông báo đến chủ tài khoản nhận để yêu cầu trả lại tiền chuyển nhầm nhưng chủ tài khoản cố tình không trả thì bạn có thể làm đơn tố giác tội phạm và gửi đến cơ quan chức năng để được hỗ trợ xử lý.
Về thẩm quyền tiếp nhận đơn tố giác, các bạn làm đơn tố giác tội phạm và gửi đến Cơ quan Công an, hoặc Viện kiểm sát, hoặc Tòa án nơi chủ tài khoản nhận thường trú/ đang sinh sống. Hoặc tốt nhất bạn làm đơn tố giác tội phạm gửi đến cả 3 cơ quan trên để được hỗ trợ xử lý tốt nhất.
Như vậy, trên đây công ty thám tử Hoàn Cầu đã hướng dẫn các bạn cách lấy lại tiền khi chuyển nhầm tài khoản đối với tất cả các ngân hàng Vietcombank, Vietinbank, MB Bank, BIDV, Dong A, Sacombank,ACB, Techcombank,… Hy vọng sẽ giúp bạn có thể nhanh chóng lấy lại được số tiền mà bạn đã chuyển khoản nhầm trước đó, chúc các bạn thành công!
3. Những câu hỏi liên quan đến việc chuyển khoản nhầm cho người khác
– Khách hàng chuyển nhầm tiền vào tài khoản người khác ngân hàng có trừ tiền của người nhận rồi cộng cho người gửi không?
Tại Điều 10 Luật các tổ chức tín dụng 2010 quy định, ngân hàng có quyền từ chối “trích chuyển tiền gửi của khách hàng, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc được sự chấp thuận của khách hàng” 6.
Theo đó, trường hợp bạn chuyển nhầm tiền vào tài khoản người khác, sau đó bạn yêu cầu ngân hàng trừ tiền của người đó rồi cộng lại vào tài khoản của bạn thì ngân hàng có quyền từ chối yêu cầu của bạn, trừ khi có sự đồng ý của chủ tài khoản, hoặc có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
– Khi chuyển nhầm tiền vào tài khoản người khác thì ai là người chịu trách nhiệm?
Tại điểm g khoản 2 Điều 5 Thông tư 23/2014/TT-NHNN quy định chủ tài khoản phải “chịu trách nhiệm về những thiệt hại do sai sót hoặc bị lợi dụng, lừa đảo khi sử dụng dịch vụ thanh toán qua tài khoản do lỗi của mình” 7.
Do đó, trường hợp chuyển khoản nhầm do lỗi của người dùng thì khách hàng là người phải chịu trách nhiệm do sai sót đó, trường hợp chuyển tiền nhầm mà do lỗi của ngân hàng thì ngân hàng là bên phải chịu trách nhiệm.
Trường hợp chuyển tiền nhầm khác ngân hàng thì ngân hàng của người nhận chuyển nhầm liên quan gì không?
Tại điểm a khoản 1 Điều 6 Thông tư 23/2014/TT-NHNN quy định: Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán được chủ động trích (ghi Nợ) tài khoản thanh toán của khách hàng trong trường hợp: “Khi phát hiện đã ghi Có nhầm vào tài khoản của khách hàng hoặc theo yêu cầu hủy lệnh chuyển Có của tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán chuyển tiền do tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán chuyển tiền phát hiện thấy có sai sót so với lệnh thanh toán của người chuyển tiền” 8.
Theo đó, ngân hàng của người nhận chuyển nhầm có quyền trả lại số tiền nếu có yêu cầu từ phía ngân hàng của người chuyển. Tuy nhiên, đây là quyền cho nên ngân hàng có thể hoặc không thực hiện.
Ví dụ: Bạn chuyển nhầm từ Vietcombank sang Sacombank. Khi bạn yêu cầu ngân hàng Vietcombank tra soát với lý do chuyển khoản nhầm thì ngân hàng Vietcombank sẽ gửi yêu cầu hủy lệnh chuyển Có giao dịch của bạn sang ngân hàng Sacombank để yêu cầu thực hiện, tuy nhiên ngân hàng Sacombank phải xác minh và có sự đồng ý của chủ tài khoản thì mới thực hiện yêu cầu của Vietcombank được.
Trên đây là tất cả vấn đề liên quan đến việc chuyển nhầm tiền vào tài khoản người khác, hy vọng sẽ giúp các bạn có thể lấy lại được số tiền mà mình đã chuyển khoản nhầm trước đó, chúc các bạn thành công!
One comment
Đọc thêm: Nhận được tiền chuyển nhầm không trả có sao không?