Công ty mua bán nợ có hợp pháp không?

Mua bán nợ có bị cấm không? Công ty mua bán nợ có hợp pháp không? Hiện nay, theo quy định pháp luật mới nhất thì dịch vụ đòi nợ thuê đã bị cấm hoạt động, tuy nhiên các công ty đòi nợ thuê đã chuyển sang hình thức mua bán nợ. Vậy việc hoạt động mua bán nợ có bị pháp luật cấm hay không? Hãy cùng công ty thám tử Hoàn Cầu chúng tôi tìm hiểu ngay sau bài phân tích dưới đây để hiểu rõ hơn trước khi ký hợp đồng mua bán nợ.

1. Mua bán nợ có bị cấm không?

Tại khoản 2 Điều 3 Nghị định số 69/2016/NĐ-CP định nghĩa “Mua bán nợ là việc bên bán nợ chuyển giao một phần hoặc toàn bộ quyền đòi nợ và các quyền khác liên quan đến khoản nợ cho bên mua nợ và bên mua nợ trả tiền cho bên bán nợ” 1. Theo đó, việc mua bán nợ là hợp pháp và không bị pháp luật cấm.

Công ty mua bán nợ có bị cấm không?

Theo quy định của Bộ luật dân sự 2015, mua, bán nợ là một giao dịch dân sự về mua bán tài sản, theo đó người bán khoản nợ có nghĩa vụ chuyển giấy tờ và làm thủ tục chuyển quyền đòi nợ cho bên mua, còn bên mua phải trả tiền cho bên bán.

– Tại khoản 1 Điều 105 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.

– Tại Điều 115 quy định “quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác” 2.

– Bên cạnh đó, tại khoản 1 Điều 450 Bộ luật dân sự 2015 cũng có quy định “Trường hợp mua bán quyền tài sản thì bên bán phải chuyển giấy tờ và làm thủ tục chuyển quyền sở hữu cho bên mua, bên mua phải trả tiền cho bên bán” 3.

Trường hợp quyền tài sản là quyền đòi nợ và bên bán cam kết bảo đảm khả năng thanh toán của người mắc nợ thì bên bán phải liên đới chịu trách nhiệm thanh toán, nếu khi đến hạn mà người mắc nợ không trả.

Như vậy, quyền đòi nợ cũng là một quyền đối với tài sản, do đó được xem là tài sản và có thể mua, bán, trao đổi, thế chấp, tặng, cho người khác theo quy định pháp luật.

Ví dụ: Anh A cho chị B vay số tiền 300 triệu đồng, khi đến thời hạn trả tiền nhưng chị B không thực hiện nghĩa vụ trả tiền, nhận thấy mình không có thời gian để đòi nợ thì A có thể bán khoản nợ đó cho C để C thực hiện đòi nợ. Giá trị của hợp đồng mua bán nợ đó do các bên thỏa thuận là 150 triệu đồng. Cụ thể:

– Quyền và nghĩa vụ của A:

+ Chuyển giao cho C toàn bộ giấy tờ, tài liệu, hợp đồng có liên quan đến việc vay tiền giữa A và B.

+ Thông báo cho B biết việc mình đã chuyển giao quyền đòi nợ cho C, yêu cầu B làm việc trực tiếp với C.

+ Được nhận số tiền hợp đồng 150 triệu đồng theo thỏa thuận (thời gian, địa điểm, hình thức nhận tiền do các bên thỏa thuận)

– Quyền và nghĩa vụ của C:

+ Thanh toán cho A số tiền 150 triệu đồng theo thỏa thuận về thời gian, địa điểm, hình thức đã thỏa thuận trong hợp đồng.

+ Thông báo cho B biết mình là người có quyền đòi nợ đối với hợp đồng vay tiền giữa A và B.

+ Được quyền thông báo, nhắc nợ, được quyền khởi kiện đòi nợ nếu như B cố tình không trả.

Việc mua bán nợ giữa A và C không cần sự đồng ý của B vẫn có hiệu lực pháp luật, do đó các bên có nghĩa vụ thông báo cho B biết mà không cần sự đồng ý của B về việc chuyển giao quyền đòi nợ.

Kết luận: Theo quy định pháp luật tại khoản 2 Điều 3 Nghị định số 69/2016/NĐ-CP, các Điều 105, 115, 450 Bộ luật dân sự 2015 thì việc mua bán nợ là một giao dịch dân sự hợp pháp và không bị pháp luật cấm.

2. Công ty mua bán nợ có hợp pháp không?

Tại khoản 15 Điều 3 Nghị định 69/2016/NĐ-CP định nghĩa “Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ mua bán nợ là doanh nghiệp có đăng ký ngành nghề kinh doanh dịch vụ mua bán nợ (bao gồm cả Công ty Quản lý nợ và khai thác tài sản trực thuộc ngân hàng thương mại)” 4. Theo đó, công ty mua bán nợ là công ty hợp pháp.

Công ty mua bán nợ có hợp pháp không?

Như đã đề cập ở trên, quyền đòi nợ được xem là một quyền tài sản, do đó có thể chuyển nhượng, mua bán nợ mà không bị pháp luật cấm, do đó công ty mua bán nợ có thể mua lại các khoản nợ mà khách hàng bán một cách hợp pháp.

Hiện nay, để hoạt động kinh doanh dịch vụ mua bán nợ thì bắt buộc phải thành lập doanh nghiệp, trừ các trường hợp mua, bán nợ không thường xuyên, nghĩa là không vì mục đích lợi nhuận thì không cần phải thành lập doanh nghiệp, mà thực hiện giao dịch theo Bộ luật dân sự và các quy định pháp luật có liên quan.

Theo quy định tại Nghị định 69/2016/NĐ-CP thì công ty mua bán nợ là hợp pháp, việc thành lập công ty mua bán nợ phải tuân thủ theo quy định pháp luật, đáp ứng được các điều kiện về vốn điều lệ, người đại diện theo pháp luật và phải có quy chế quản lý nội bộ về tổ chức, quy định nội bộ về hoạt động kinh doanh dịch vụ mua bán nợ.

3. Điều kiện thành lập công ty mua bán nợ

Theo quy định tại Điều 5, Điều 7 Nghị định 69/2016/NĐ-CP thì điều kiện thành lập công ty mua bán nợ như sau:

1. Công ty mua bán nợ phải có quy chế quản lý nội bộ về tổ chức và quy định nội bộ về hoạt động kinh doanh dịch vụ mua bán nợ.

Tại khoản 1 Điều 5 Thông tư 49/VBHN-BTC hướng dẫn về quy chế quản lý nội bộ như sau: “Tại thời điểm bắt đầu hoạt động kinh doanh dịch vụ mua bán nợ, doanh nghiệp phải có quy chế quản lý nội bộ về tổ chức, quy định nội bộ về hoạt động kinh doanh dịch vụ mua bán nợ được ban hành bởi cấp có thẩm quyền của doanh nghiệp quy định tại điều lệ của doanh nghiệp” 5.

Như vậy, sau khi đăng ký thành lập công ty mua bán nợ thì công ty phải ban hành quy chế quản lý nội bộ về tổ chức và quy định nội bộ về hoạt động kinh doanh của mình. Người có thẩm quyền ban hành quy chế và quy định là người được nêu trong điều lệ của công ty.

2. Công ty mua bán nợ phải có vốn điều lệ, vốn đầu tư tối thiểu là 100 tỷ đồng

Vốn điều lệ “là tổng giá trị tài sản do các thành viên công ty, chủ sở hữu công ty đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; là tổng mệnh giá cổ phần đã bán hoặc được đăng ký mua khi thành lập công ty cổ phần” 6.

Như vậy, trường hợp thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn mua bán nợ thì chủ sở hữu phải góp hoặc cam kết góp vốn vào công ty số tiền từ 100 tỷ đồng trở lên.

Trường hợp thành lập công ty mua bán nợ hợp danh thì các thành viên công ty phải góp vốn hoặc cam kết góp vốn vào công ty đủ số tiền từ 100 tỷ đồng trở lên

Trường hợp thành lập công ty cổ phần mua bán nợ thì các cổ đông phải góp vốn, hoặc đăng ký mua cổ phần tổng trị giá từ 100 tỷ đồng trở lên.

3. Người quản lý của công ty mua bán nợ có đầy đủ năng lực hành vi dân sự

Người quản lý công ty mua bán nợ phải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự và không thuộc đối tượng cấm quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật doanh nghiệp.

Người quản lý công ty theo Luật doanh nghiệp bao gồm: “Chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và cá nhân giữ chức danh quản lý khác theo quy định tại Điều lệ công ty” 7.

Những người không được quản lý công ty theo Luật doanh nghiệp bao gồm:

+ “Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;

+ Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức;

+ Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp, công nhân công an trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp hoặc quản lý tại doanh nghiệp nhà nước;

+ Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 88 của Luật doanh nghiệp, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác;

+ Người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; người bị mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; tổ chức không có tư cách pháp nhân;

+ Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; các trường hợp khác theo quy định của Luật Phá sản, Luật Phòng, chống tham nhũng.

+ Tổ chức là pháp nhân thương mại bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định theo quy định của Bộ luật Hình sự” 8.

Trường hợp Cơ quan đăng ký kinh doanh có yêu cầu, người đăng ký thành lập doanh nghiệp phải nộp Phiếu lý lịch tư pháp cho Cơ quan đăng ký kinh doanh.

4. Người quản lý công ty mua bán nợ phải có trình độ học vấn từ đại học trở lên

Người quản lý của công ty mua bán nợ phải có trình độ học vấn từ đại học trở lên thuộc một trong các ngành: Kinh tế, quản trị kinh doanh, luật hoặc lĩnh vực chuyên môn mà mình sẽ đảm nhận.

5. Người quản lý công ty mua bán nợ phải có ít nhất 5 năm kinh nghiệm

Người quản lý công ty mua bán nợ phải là người quản lý hoặc có ít nhất 5 năm làm việc trực tiếp trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, kế toán, kiểm toán, pháp luật, định giá tài sản hoặc mua bán nợ;

– Đối với những người đã làm việc trong doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ mua bán nợ đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp phải đáp ứng thêm điều kiện: “Không là người quản lý của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ mua bán nợ đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong 03 năm trước liền kề” 9.

Cập nhật mới: Theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 131 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP (QUY ĐỊNH CHI TIẾT VÀ HƯỚNG DẪN THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT ĐẦU TƯ) thì Nghị định 69/2016/NĐ-CP đã hết hiệu lực, do đó dịch vụ mua bán nợ không còn là ngành nghề kinh doanh có điều kiện nữa.

4. Một số quy định pháp luật về mua bán nợ

Căn cứ Điều 7 Nghị định số 69/2016/NĐ-CP quy định về mua bán nợ như sau:

1. Muốn kinh doanh dịch vụ mua bán nợ phải thành lập doanh nghiệp

Tại Điều 4  Nghị định số 69/2016/NĐ-CP quy định tổ chức (không phải là doanh nghiệp), cá nhân có nhu cầu kinh doanh dịch vụ mua bán nợ phải thành lập doanh nghiệp. Theo đó, để được kinh doanh dịch vụ mua bán nợ thường xuyên và liên tục thì bắt buộc phải thành lập doanh nghiệp.

Đối với những người mua bán nợ không thường xuyên, không vì mục đích lợi nhuận thì không cần đăng ký thành lập doanh nghiệp, việc mua, bán nợ dựa theo sự thỏa thuận theo quy định về dân sự và pháp luật có liên quan khác.

2. Khi mua bán nợ thì phải lập thành hợp đồng bằng văn bản

Theo quy định pháp luật thì “việc mua bán nợ phải được lập thành hợp đồng bằng văn bản trên cơ sở thỏa thuận giữa các bên liên quan, đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia mua bán nợ, trong đó quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của bên mua nợ, bên bán nợ” 10.

Như vậy, khi mua bán nợ thì phải ký hợp đồng bằng văn bản, không cần công chứng/ chứng thực. Các hình thức thỏa thuận mua bán nợ bằng miệng đều vị vô hiệu.

3. Khoản nợ được mua bán thuộc trường hợp được mua, bán.

Tại điểm a khoản 3 Điều 7 Nghị định số 69/2016/NĐ-CP quy định điều kiện để mua bán nợ như sau: “Không có thỏa thuận bằng văn bản về việc không được mua, bán khoản nợ”. Như vậy, trong trường hợp giữa người vay tiền và người mượn tiền có thỏa thuận về khoản nợ này không được mua bán dưới bất kỳ hình thức nào, không được chuyển nhượng quyền đòi nợ thì khoản nợ đó không được đem ra mua, bán.

Ví dụ: A vay tiền của B số tiền 500 triệu đồng. Trong hợp đồng vay tiền có điều khoản ghi rõ: Hợp đồng này không được chuyển nhượng cho bên thứ 3 dưới bất kỳ hình thức nào, không được mua, bán khoản nợ trong hợp đồng này dưới bất kỳ hình thức nào. Như vậy, trong trường hợp này thì không được mua bán khoản nợ đó, người mua không thể mua và người bán cũng không thể bán.

4. Tại thời điểm mua bán, khoản nợ đó không được dùng để bảo đảm nghĩa vụ dân sự

Nghị định số 69/2016/NĐ-CP quy định điều kiện để mua bán nợ như sau: “Không được sử dụng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự tại thời điểm mua bán nợ, trừ trường hợp có sự đồng ý bằng văn bản của bên nhận bảo đảm về việc bán nợ” 11.

Trong trường hợp khoản nợ đó đã được chủ nợ dùng để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ cho một bên thứ 3 thì khoản nợ này không được mua bán, trừ trường hợp được bên thứ 3 đó đồng ý bằng văn bản, lúc này bên bán nợ chuyển giao nghĩa vụ dân sự bảo đảm cho bên mua nợ, bên mua nợ có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ bảo đảm đối với bên thứ 3.

5. Công ty mua bán nợ không được mua nợ từ ngân hàng, tổ chức tín dụng đã cấp tín dụng cho mình

Khoản 5 Điều 7 Nghị định số 69/2016/NĐ-CP quy định: “Doanh nghiệp hoạt động mua bán nợ không được nhận cấp tín dụng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng để mua nợ của khách hàng vay tại chính tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đó hoặc nhận bảo đảm của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng để được cấp tín dụng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng khác nhằm mục đích mua nợ của khách hàng vay tại chính tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bảo đảm” 12.

6. Phải tuân thủ quy định pháp luật về quản lý ngoại hối

Khi tham gia hoạt động mua bán nợ thì Bên mua nợ, bên bán nợ, bên nợ và các bên liên quan khác phải tuân thủ các quy định hiện hành của pháp luật về quản lý ngoại hối trong trường hợp mua bán nợ hình thành quan hệ cho vay, vay nợ nước ngoài và sử dụng ngoại hối trong giao dịch mua bán nợ” 13.

7. Bên mua nợ và bên nợ không phải là người có liên quan theo quy định của Luật doanh nghiệp

Tại điểm c khoản 3 Điều 7 Nghị định số 69/2016/NĐ-CP quy định bên mua nợ và bên nợ không phải là người có liên quan theo quy định của Luật doanh nghiệp.

Tại khoản 23 Điều 4 Luật doanh nghiệp 2020 quy định người liên quan bao gồm:

“a) Công ty mẹ, người quản lý và người đại diện theo pháp luật của công ty mẹ và người có thẩm quyền bổ nhiệm người quản lý của công ty mẹ;

b) Công ty con, người quản lý và người đại diện theo pháp luật của công ty con;

c) Cá nhân, tổ chức hoặc nhóm cá nhân, tổ chức có khả năng chi phối hoạt động của doanh nghiệp đó thông qua sở hữu, thâu tóm cổ phần, phần vốn góp hoặc thông qua việc ra quyết định của công ty;

d) Người quản lý doanh nghiệp, người đại diện theo pháp luật, Kiểm soát viên;

đ) Vợ, chồng, bố đẻ, mẹ đẻ, bố nuôi, mẹ nuôi, bố chồng, mẹ chồng, bố vợ, mẹ vợ, con đẻ, con nuôi, con rể, con dâu, anh ruột, chị ruột, em ruột, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người quản lý công ty, người đại diện theo pháp luật, Kiểm soát viên, thành viên và cổ đông sở hữu phần vốn góp hay cổ phần chi phối;

e) Cá nhân là người đại diện theo ủy quyền của công ty, tổ chức quy định tại các điểm a, b và c nêu trên.

g) Doanh nghiệp trong đó cá nhân, công ty, tổ chức quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và e khoản này có sở hữu đến mức chi phối việc ra quyết định của công ty” 14.

4.7/5 - (6 bình chọn)
error: Content is protected !!
Gọi thám tử tư 0967185789