Cách trình báo công an khi bị lừa đảo qua mạng để lấy lại tiền

Khi bị lừa đảo qua mạng xã hội Facebook Zalo thì làm đơn trình báo đến cơ quan nào để được hỗ trợ xử lý theo quy định pháp luật? Dưới đây công ty thám tử Hoàn Cầu sẽ hướng dẫn các bạn cách trình báo công an khi bị lừa đảo qua mạng một cách chi tiết, thông qua đó giúp cho bạn có thể nhanh chóng xử lý và có thể lấy lại được số tiền mà mình đã bị lừa đảo trước đó.

Hiện nay tình trạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội rất phổ biến, phổ biến nhất là Zalo và Facebook, ngoài ra còn các trường hợp lừa đảo qua số điện thoại, tài khoản ngân hàng,… Khi bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì các bạn hãy nhanh chóng trình báo đến đúng cơ quan có thẩm quyền để được hỗ trợ nhanh chóng.

1. Thế nào là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội?

Lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội là hành vi sử dụng mạng xã hội để xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của người khác, mà giá trị tài sản bị xâm phạm từ 2 triệu đồng trở lên, hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng phải thuộc một trong các yếu tố quy định trong khoản 1 Điều 174 Bộ luật hình sự 2015 thì mới bị xem là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trước khi làm đơn trình báo công an khi bị lừa đảo qua mạng thì các bạn cần phải xác định xem trường hợp của bạn có dấu hiệu của tội phạm hình sự hay là không. Cụ thể, để một hành vi chiếm đoạt tài sản qua mạng được coi là tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì phải có một trong các dấu hiệu dưới đây:

– Sử dụng mạng xã hội để chiếm đoạt tài sản của người khác có trị giá từ 2 triệu đồng trở lên.

– Sử dụng mạng xã hội để chiếm đoạt tài sản của người khác giá trị dưới 2 triệu đồng nhưng trước đó đã bị cơ quan chức năng xử phạt vi phạm hành chính về hành vi lừa đảo mà còn vi phạm.

– Sử dụng mạng xã hội để chiếm đoạt tài sản của người khác giá trị dưới 2 triệu đồng nhưng trước đó đã bị kết án về tội lừa đảo, các tội tại Điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật hình sự, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

– Sử dụng mạng xã hội để chiếm đoạt tài sản của người khác giá trị dưới 2 triệu đồng nhưng gây ra ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

– Chiếm đoạt tài sản của người khác giá trị dưới 2 triệu đồng nhưng đó là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.

– Chiếm đoạt tài sản của người khác giá trị dưới 2 triệu đồng nhưng đó là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.

– Dùng thủ đoạn xảo quyệt để lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội. Dùng thủ đoạn xảo quyệt được hiểu một cách đơn giản là người lừa đảo dùng các thủ đoạn tinh vi thông qua công nghệ, hoặc dùng thủ đoạn để đổ tội cho người khác, hoặc các thủ đoạn tiêu hủy chứng cứ phạm tội,…

– Chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội một cách có tổ chức. Có tổ chức được hiểu đơn giản là một tập thể lừa đảo có kế hoạch phân chia công việc, nhiệm vụ, cấp bậc rõ ràng để chiếm đoạt tài sản.

– Lừa đảo chiếm đoạt tài sản có tính chất chuyên nghiệp. Tính chất chuyên nghiệp được hiểu đơn giản là người này chủ yếu kiếm sống bằng nghề lừa đảo.

– Lợi dụng tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh, tình trạng khẩn cấp để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Như vậy, nếu như trường hợp của bạn thuộc một trong các trường hợp liệt kê ở trên thì có thể xác định đó là hình thức lừa đảo qua mạng, lúc này bạn hãy làm đơn trình báo công an khi bị lừa đảo qua mạng để được hỗ trợ xử lý theo quy định pháp luật.

2. Cách trình báo công an khi bị lừa đảo qua mạng Facebook, Zalo

Bước 1: Thu thập thông tin, chứng cứ liên quan vụ việc lừa đảo qua mạng

Đầu tiên thì các bạn cần phải thu thập các thông tin và tài liệu, chứng cứ có liên quan đến vụ việc bạn bị lừa đảo qua mạng xã hội, các bạn thu thập càng nhiều thông chứng cứ càng tốt.

Thu thập chứng cứ khi bị lừa đảo qua mạng xã hội Zalo Facebook

(Thu thập tài liệu và chứng cứ khi bị lừa đảo qua mạng xã hội Zalo Facebook – ảnh minh họa)

Các bạn có thể thu thập các thông tin sau:

– Thông tin của đối tượng lừa đảo: Các bạn cần thu thập tất cả những thông tin có liên quan đến đối tượng lừa đảo, bao gồm: Họ tên, ngày tháng năm sinh, địa chỉ, số điện thoại, hình ảnh, số tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội trực tiếp dùng để thực hiện hành vi lừa đảo,… Các bạn thu thập càng nhiều thông tin càng tốt.

– Thu thập chứng cứ bị lừa đảo: Trong giai đoạn này, bạn sẽ cần phải chứng minh cho việc tố giác tội phạm của mình là có căn cứ pháp luật, dựa theo dấu hiệu đó cơ quan chức năng mới có căn cứ để ra quyết định khởi tố hay là không khởi tố vụ án hình sự.

Chứng cứ trong việc bị lừa đảo qua mạng xã hội mà bạn có thể thu thập bao gồm: Vật chứng, biên lai chuyển tiền, nội dung tin nhắn trao đổi quá trình giao dịch, nội dung ghi âm cuộc gọi giữa bạn và đối tượng lừa đảo, nội dung quảng cáo hoặc giới thiệu về sản phẩm của đối tượng,….

Ví dụ: Nếu như bạn bị lừa đảo qua mạng xã hội Facebook, Zalo, Lazada, Tiki, Shopee bằng hình thức đặt mua online một chiếc Tivi Samsung 64 inch mới 100%, nhưng khi nhận được sản phẩm lại là một chiếc tivi Sony cũ kích thước 55 inch. Lúc này, chiếc Tivi Sony này sẽ được xem là vật chứng của vụ việc.

Điều quan trọng nhất khi thu thập chứng cứ là bạn thu thập tài liệu chứng minh được người đó đã chặn liên lạc của bạn (ví dụ như chặn Zalo, chặn Messenger Facebook của bạn, tắt máy điện thoại, không nghe điện thoại của bạn,không trả lời tin nhắn của bạn,…). Đây là dấu hiệu quan trọng để xác định hành vi đó có được xem là lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay là không.

– Nếu có bị hại khác, hãy cùng nhau hợp sức: Nếu có bị hại khác trong cùng vụ việc với bạn, bạn có thể liên hệ với bị hại đó để cùng nhau hợp sức tố giác tội phạm, lúc này 2, 3 người cùng nhau làm đơn trình báo công an khi bị cùng một đối tượng lừa đảo qua mạng sẽ có sức thuyết phục hơn.

Ngoài ra, các bạn có thể thu thập thêm các loại chứng cứ khác tùy thuộc vào từng trường hợp của bạn và tùy thuộc vào khả năng, điều kiện cũng như thời gian của bạn.

Bước 2: Làm đơn trình báo công an khi bị lừa đảo qua mạng đúng thẩm quyền

Sau khi thu thập được đầy đủ thông tin, chứng cứ và các tài liệu có liên quan đến vụ việc thì lúc này bạn tiến hành đến bước trình báo công an khi bị lừa đảo qua mạng.

Cách trình báo công an khi bị lừa đảo qua mạng Facebook, Zalo

Các bạn có thể lên mạng để tải một mẫu đơn tố giác tội phạm hoặc ra tiệm photocopy mua một mẫu đơn tố giác tội phạm hoặc liên hệ đến Cơ quan Công an/ Viện kiểm sát/ Tòa án để xin mẫu đơn tố giác tội phạm. Sau khi có mẫu đơn tố giác tội phạm thì các bạn tiến hành ghi theo mẫu đơn.

Tiếp theo các bạn gửi đơn tố giác tội phạm đến cơ quan chức năng. Hiện nay tất cả các cơ quan chức năng nhà nước đều có thẩm quyền tiếp nhận đơn tố giác tội phạm. Tuy nhiên về thẩm quyền giải quyết và kiến nghị khởi tố thì 3 cơ quan sau có thẩm quyền: Cơ quan điều tra (Công an), Viện kiểm sát, và Tòa án.

Lưu ý nộp đơn trình báo công an khi bị lừa đảo qua mạng, tố giác tội phạm đúng thẩm quyền:

– Trường hợp 1: Bạn biết nơi cư trú hoặc nơi đăng ký hộ khẩu thường trú/ tạm trú của đối tượng lừa đảo qua mạng xã hội đó thì bạn gửi đơn đến Cơ quan Công an, hoặc Viện kiểm sát, hoặc Tòa án nơi đối tượng đó cư trú/ thường trú/ tạm trú để được hỗ trợ giải quyết. Nếu có thời gian, các bạn nộp đơn tố giác đến cả 3 cơ quan này.

Trường hợp này là “đúng tuyến” cho nên sẽ được cơ quan chức năng hỗ trợ nhanh nhất, ưu tiên số 1 cho trường hợp này. Trường hợp đối tượng lừa đảo này ở quá xa so với bạn thì bạn có thể nộp đơn bằng hình thức chuyển phát nhanh có bảo đảm hoặc nộp qua hình thức trực tuyến (nếu cơ quan khu vực đó có hỗ trợ hình thức tiếp nhận trực tuyến).

– Trường hợp 2: Bạn không biết đối tượng lừa đảo đang ở đâu, bạn nộp đơn đến Cơ quan Công an, hoặc Viện kiểm sát, hoặc Tòa án nơi bạn đang cư trú để được hỗ trợ xử lý.

Sau khi tiếp nhận đơn trình báo của bạn, cơ quan chức năng sẽ tiến hành xem xét và đánh giá chứng cứ, tài liệu kèm theo. Nếu đúng thẩm quyền thì họ sẽ tiếp nhận, nếu không đúng thẩm quyền thì họ sẽ chuyển đến cơ quan có thẩm quyền để giải quyết.

Như vậy là mất thêm một bước xác minh và chuyển hồ sơ, mất thời gian hơn, ưu tiên số 2 cho trường hợp này. Các bạn chỉ gửi đơn đến cơ quan chức năng nơi bạn đang sinh sống khi bạn không biết đối tượng lừa đảo đang ở đâu, còn nếu đã biết thì cố gắng gửi đơn cho đúng thẩm quyền để được hỗ trợ tốt nhất.

Lưu ý quan trọng: Nếu đã làm thì làm cho đến cùng, tố giác thì cho ra tố giác, chứ đừng có lười biếng mà quăng đại cái đơn đến cơ quan công an gần mình nhất, được hỗ trợ thì được, không được thì thôi. Hãy cố gắng ưu tiên gửi đơn trình báo công an khi bị lừa đảo qua mạng đến đúng nơi đối tượng đang sinh sống trước để được hỗ trợ nhanh nhất.

Bước 3: Cơ quan Công an kiểm tra, đánh giá chứng cứ lừa đảo qua mạng

Sau khi nhận được đơn tố giác tội phạm thì Cơ quan chức năng sẽ xem xét xem vụ việc có thuộc thẩm quyền giải quyết của mình hay là không. Sau đó mới tiến hành đánh giá tài liệu, chứng cứ để xem có hay không có dấu hiệu của tội phạm, quá trình xem xét, đánh giá nhiều nhất là 20 ngày.

Cách trình báo công an khi bị lừa đảo qua mạng Facebook, Zalo

(Cách trình báo công an khi bị lừa đảo qua mạng Zalo Facebook – Cơ quan chức năng xem xét chứng cứ kèm theo đơn tình báo)

Khi đó sẽ có 3 trường hợp xảy ra như sau:

– Trường hợp 1: Nếu như quá trình kiểm tra, xác minh mà không có dấu hiệu lừa đảo thì cơ quan chức năng sẽ ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự. Đồng thời sẽ thông báo cho bạn biết và nêu rõ lý do tại sao không khởi tố vụ án hình sự đó.

Tuy nhiên nếu như bạn cảm thấy quyết định này là không đúng, cho rằng cơ quan chức năng đang bỏ lọt tội phạm thì bạn có quyền khiếu nại quyết định không khởi tố vụ án hình sự đó.

Mẹo lấy lại tiền bị lừa đảo khi vụ án không được khởi tố: Nếu không có dấu hiệu của tội phạm hình sự nhưng lại có dấu hiệu vi phạm hành chính thì có thể gửi hồ sơ đến cơ quan chức năng có thẩm quyền xử phạt hành chính. Trong quá trình xử phạt hành chính có thể được áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc trả lại tài sản đã chiếm đoạt, khi đó bạn có hy vọng lấy lại được số tiền mà mình đã bị lừa trước đó. (Tùy thuộc từng hành vi cụ thể, không phải trường hợp nào khi xử lý vi phạm hành chính cũng có biện pháp khắc phục hậu quả). Tới đây là chấm hết quá trình báo công an khi bị lừa đảo qua mạng.

–  Trường hợp 2: Nếu vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp cần phải kiểm tra xác minh thêm thì cơ quan chức năng sẽ ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết đơn tố giác của bạn (thời gian có thể xem xem trong giai đoạn này có thể kéo dài nhiều nhất là 4 tháng, bao gồm 2 tháng xác minh, sau đó nếu vẫn còn nhiều tình tiết phải xác minh thì có thể gia hạn thêm nhiều nhất 2 tháng nữa).

– Trường hợp 3: Nếu như quá trình kiểm tra, đánh giá đơn tố giác mà có dấu hiệu của tội phạm thì cơ quan chức năng sẽ ra quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trong trường hợp này, cơ quan chức năng sẽ thông báo cho bị hại biết và có thể mời bị hại đến trụ sở cơ quan để lấy lời khai về vụ việc, thu thập thêm chứng cứ có liên quan. Lúc này nếu bạn là người bị hại trong vụ án lừa đảo qua mạng xã hội đó, bạn cần hợp tác với cơ quan chức năng để tiến hành xử lý vụ việc được nhanh chóng và hiệu quả.

Bước 4: Cơ quan Công an khởi tố và điều tra vụ án hình sự

Nếu như trong quá trình xem xét tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn trình báo công an khi bị lừa đảo qua mạng của bạn cho thấy có dấu hiệu của tội phạm thì cơ quan chức năng sẽ ra quyết định khởi tố vụ án hình sự.

Cách trình báo công an khi bị lừa đảo qua mạng Facebook, Zalo

(Cách trình báo công an khi bị lừa đảo qua mạng Zalo Facebook – Mẫu quyết định khởi tố vụ án)

Quyết định này sẽ được gửi đến cơ quan cùng cấp như sau:

– Trường hợp cơ quan Công an ra quyết định khởi tố vụ án hình sự thì đồng thời sẽ gửi quyết định này đến Viện kiểm sát để kiểm sát việc khởi tố đó.

– Trường hợp Viện kiểm sát ra quyết định khởi tố thì quyết định này cũng sẽ được gửi đến Cơ quan Công an –> Công an tiến hành điều tra vụ án.

– Trường hợp Tòa án ra quyết định khởi tố thì quyết định này sẽ được gửi đến Viện kiểm sát cùng cấp –> Viện kiểm sát gửi sang cho Cơ quan Công an –> Công an tiến hành điều tra.

Điều tra là nghiệp vụ của cơ quan điều tra, trong quá trình điều tra cơ quan chức năng có thể áp dụng một số biện pháp cụ thể như: Khám xét, triệu tập/ áp giải, hỏi cung, đối chất, tạm giam, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản…

Như vậy, khi có quyết định khởi tố vụ án hình sự là bước đầu tiên quan trọng nhất để người bị lừa đảo qua mạng có hy vọng lấy lại được số tiền mà mình đã bị lừa trước đó. Tuy nhiên, quá trình còn rất dài và nhiêu khê, không phải một sớm một chiều là bạn có thể thu hồi lại được tiền bị lừa trước đó, đây mới chỉ là một tia hy vọng đầu tiên mà thôi.

Bước 5: Viện kiểm sát truy tố bị can bằng một bản cáo trạng

Sau khi cơ quan điều tra được đầy đủ nội dung,chứng cứ thì sẽ có một kết luận điều tra, kết luận điều tra này sẽ được gửi sang Viện kiểm sát để truy tố bị can.

Cách trình báo công an khi bị lừa đảo qua mạng Facebook, Zalo

(Cách trình báo công an khi bị lừa đảo qua mạng Zalo Facebook – Mẫu cáo trạng của Viện kiểm sát)

Dựa vào kết luận điều tra từ Cơ quan điều tra gửi sang, Viện kiểm sát xem xét kết luận điều tra và có các trường hợp như sau:

– Trường hợp hồ sơ, chứng cứ chưa đầy đủ, hoặc có đồng phạm mà chưa khởi tố, hoặc có căn cứ để khởi tố thêm tội danh khác thì trả hồ sơ yêu cầu Cơ quan điều tra bổ sung chứng cứ.

– Trường hợp vụ án có những tình tiết phức tạp cần phải xem xét thêm thì có thể ra quyết định tạm đình chỉ vụ án.

– Trường hợp không có căn cứ nào để kết tội thì Viện kiểm sát ra quyết định đình chỉ vụ án

– Trường hợp trong kết luận điều tra đã có đầy đủ chứng cứ thì sẽ ra quyết định truy tố bị can. Viện kiểm sát truy tố bị can trước Tòa án bằng một bản cáo trạng, trong cáo trạng thể hiện đầy đủ nội dung của vụ việc lừa đảo qua mạng xã hội, tội danh và các bị hại có liên quan.

Quyết định truy tố bị can này sẽ được Viện kiểm sát gửi sang Tòa án cùng cấp, Tòa án tiếp tục xem xét và cũng sẽ có các trường hợp xảy ra như sau:

– Trường hợp xét thấy chưa đủ chứng cứ để buộc tội thì Tòa án yêu cầu Viện kiểm sát bổ sung chứng cứ, hoặc trong một số trường hợp có thể trả hồ sơ để yêu cầu bổ sung chứng cứ.

– Trường hợp chứng cứ đã đầy đủ với tội danh thì Tòa án ra quyết định mở phiên tòa xét xử sơ thẩm.

Bước 6: Tòa án mở phiên toà xét xử sơ thẩm vụ án lừa đảo qua mạng

Trong quá trình xét xử, tất cả mọi người (kể cả người bị buộc tội) đều có quyền bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ, đánh giá chứng cứ, đưa ra yêu cầu để làm rõ sự thật khách quan của vụ án.

Cách trình báo công an khi bị lừa đảo qua mạng Facebook, Zalo

(Cách trình báo công an khi bị lừa đảo qua mạng Zalo Facebook – Xét xử vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, ảnh minh họa)

Tòa án sẽ tiến hành hỏi bị cáo, hỏi bị hại và những người có liên quan, đồng thời xem xét tài liệu chưng cứ cụ thể, do đó bạn nên có mặt tại phiên tòa sơ thẩm để quá trình hỏi, tranh tụng tại tòa được tiến hành thuận lợi.

Khi tham gia phiên tòa, bạn có thể là bị hại trong vụ án hình sự, hoặc là nguyên đơn dân sự trong vụ án hình sự. Trong trường hợp bạn vắng mặt nếu như sự vắng mặt của bạn có ảnh hưởng đến quá trình xét xử thì Hội đồng xét xử sẽ ra quyết định tạm hoãn phiên tòa. Do vậy, bạn cần có mặt để quá trình xét xử được thuận lợi hơn.

Trong trường hợp bạn là bị hại mà vắng mặt chỉ ảnh hưởng đến vấn đề giải quyết bồi thường thiệt hại thì phiên tòa vẫn được tiến hành, việc giải quyết bồi thường thiệt hại cho bạn sẽ được tách ra để giải quyết riêng.

Bước 7: Hội đồng xét xử Nghị án và tuyên án

Nghị án

Sau khi quá trình xét xử kết thúc thì Hội đồng xét xử phiên tòa sẽ ra một biên bản nghị án. Biên bản nghị án này được tất cả thành viên Hội đồng xét xử ký tại phòng nghị án trước khi tuyên án.

Trong biên bản nghị án sẽ có kết quả biểu quyết của Hội đồng xét xử về những vấn đề quan trọng sau đây:

– Vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội này có thuộc trường hợp tạm đình chỉ hay không?

– Vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội này có thuộc trường hợp trả hồ sơ để điều tra bổ sung hay không?

– Tài liệu, chứng cứ trong vụ án này đã hợp pháp hay chưa? Quy trình thủ tục thu thập có tuân theo quy định pháp luật?

– Có hay không có căn cứ để kết tội bị cáo? Nếu có căn cứ để kết tội bị cáo thì điều khoản nào sẽ được áp dụng?

– Hình phạt đối với bị cáo như thế nào? Biện pháp tư pháp ra làm sao?

– Trách nhiệm bồi thường thiệt hại và các vấn đề dân sự trong vụ án hình sự sẽ được giải quyết như thế nào?

– Bị cáo trong vụ án lừa đảo qua mạng xã hội này có thuộc trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự hay được miễn hình phạt hay không?

– Án phí hình sự, án phí dân sự; xử lý vật chứng; tài sản bị kê biên, tài khoản bị phong tỏa như thế nào?

– Xem xét các hành vi, quyết định tố tụng của Điều tra viên, Kiểm sát viên, người bào chữa trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử đã tuân thủ quy định pháp luật hay chưa?

– Đưa ta kiến nghị phòng ngừa tội phạm, khắc phục vi phạm cụ thể.

Tuyên án

Kết thúc quá trình nghị án sẽ là quá trình tuyên án. Khi tuyên án, tất cả mọi người có mặt trong phòng xét xử phải đứng dậy để nghe tuyên án. Người đọc bản án là Chủ tọa phiên tòa hoặc một thành viên khác của Hội đồng xét xử.

Cách trình báo công an khi bị lừa đảo qua mạng Facebook, Zalo

(Cách trình báo công an khi bị lừa đảo qua mạng Zalo Facebook – Chủ tọa phiên tòa tuyên án)

Dựa vào biểu quyết các vấn đề trong biên bản nghị án, sẽ có các trường hợp xảy ra như sau:

– Trường hợp chưa trong vụ án có những tình tiết bị bỏ qua mà chưa được xét hỏi, những tình tiết liên quan khác chưa được làm sáng tỏ thì Hội đồng xét xử sẽ quay trở lại để xét hỏi và tranh luận.

– Trường hợp xét thấy chưa đủ chứng cứ để kết tội như cáo trạng thì Hội đồng xét xử trả hồ sơ yêu cầu Viện kiểm sát điều tra bổ sung thêm tài liệu, chứng cứ.

– Trường hợp có những tình tiết phức tạp cần phải được xem xét, giám định, xác minh thì Hội đồng xét xử ra quyết định tạm đình chỉ vụ án

– Trường hợp tài liệu và chứng cứ đầy đủ để kết tội thì Hội đồng xét xử sẽ ra bản án và tuyên án.

Sau khi Chủ tọa phiên tòa đọc xong bản án thì bản án này sẽ chưa có hiệu lực pháp luật ngay, mà phải chờ trong thời hạn 15 ngày để các chủ thể khác có quyền kháng cáo hoặc kháng nghị bản án của Tòa án.

Khi hết thời hạn 15 ngày mà không có bên nào kháng cáo hoặc kháng nghị thì bản án sơ thẩm của Tòa án sẽ chính thức có hiệu lực, lúc này chuyển sang bước thi hành án.

Bước 8: Thi hành bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án

Ngay sau khi bản án của Tòa án có hiệu lực pháp luật thì chuyển sang giai đoạn thi hành án, trong đó khi áp dụng các biện pháp thi hành án dân sự trong vụ án hình sự sẽ giúp bị hại có thể lấy lại được số tiền mà mình đã vị lừa đảo qua mạng xã hội trước đó, đồng thời nếu bị thiệt hại từ chính hành vi lừa đảo này thì cũng sẽ được bồi thường.

Cách trình báo công an khi bị lừa đảo qua mạng Facebook, Zalo

Như vậy, trên đây là hướng dẫn cách trình báo công an khi bị lừa đảo qua mạng Zalo Facebook và thủ tục tố tụng hình sự đối với tất cả mọi vụ án hình sự nói chung qua 7 bước tóm tắt, quy trình thực hiện trên thực tế sẽ được tiến hành một cách nghiêm ngặt, đúng theo quy định pháp luật về tố tụng hình sự.

Sau cách trình báo công an khi bị lừa đảo qua mạng Zalo Facebook thì tùy thuộc vào khả năng kinh tế (chỉ áp dụng đối với tài sản riêng) của đối tượng đó có còn để trả lại cho bạn hoặc bồi thường thiệt hại hay là không, nếu còn đủ thì bạn sẽ được phần, nếu đối tượng đó đã tiêu xài hết hoặc tẩu tán tài sản,… thì bạn cũng khó mà có thể lấy lại được khoản tiền đã bị lừa đảo trước đó.

Nói chung, quá trình lấy lại tiền từ một đối tượng lừa đảo là rất khó, bởi họ thường sẽ nghĩ ra cách để kịp thời tẩu tán tài sản. Tuy nhiên cũng có nhiều trường hợp người phạm tội chủ động nộp tiền khắc phục hậu quả để được giảm án, hưởng án treo hoặc các hình thức giảm nhẹ hình phạt khác.

Và công ty thám tử Hoàn Cầu cũng hy vọng sự việc của bạn cũng hên sao đúng đối tượng còn khả năng kinh tế chủ động nộp phạt khắc phục hậu quả để giảm nhẹ hình phạt, từ đó cũng giúp cho bạn có thể lấy lại được khoản tiền bị chiếm đoạt trước đó, chúc các bạn thành công!

Biên soạn: Thám tử Biên Hòa

Tham vấn: Thám tử TPHCM

5/5 - (6 bình chọn)
error: Content is protected !!
Gọi thám tử tư 0967185789