Thuận tình ly hôn là gì? Ly hôn thuận tình cần chuẩn bị những hồ sơ và giấy tờ gì? Nộp đơn ly hôn thuận tình ở đâu? Dưới đây công ty thám tử Hoàn Cầu sẽ hướng dẫn các bạn quy trình thủ tục ly hôn thuận tình 2023, thông qua đó giúp cho quá trình ly hôn được diễn ra nhanh chóng hơn, đỡ mất thời gian của các bạn khi thiếu hồ sơ, hồ sơ nộp sai thẩm quyền giải quyết.
Ly hôn thuận tình hiện nay được Tòa án giải quyết rất nhanh, bởi sự đồng thuận giữa vợ chồng thực sự tự nguyện ly hôn cho nên quá trình giải quyết cũng được rút gọn, đơn giản hơn so với đơn phương rất nhiều. Tuy nhiên, đối với những trường hợp thuận tình ly hôn nhưng chưa thỏa thuận được quyền nuôi con và chia tài sản thì quá trinh giải quyết cũng diễn ra lâu hơn.
1. Ly hôn thuận tình là gì?
Ly hôn thuận tình là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án, trong đó vợ chồng thực sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con.
Theo đó, ly hôn thuận tình phải dựa theo sự tự nguyện của 2 bên. Tuy nhiên, để được Tòa án ra bản án, quyết định công nhận thuận tình ly hôn hợp pháp thì phải đáp ứng được những yêu cầu dưới đây:
– Vợ chồng thực sự tự nguyện ly hôn, cùng ký vào đơn ly hôn
Thuận tình ly hôn là cả 2 bên vợ chồng cùng tự nguyện ly hôn, nếu trong quá trình chung số mà cả 2 vợ chồng đều không đạt được mục đích trong hôn nhân thì có thể làm đơn thuận tình ly hôn và gửi đến Tòa án để được giải quyết.
Ví dụ: Quá trình chung sống với nhau mà cả 2 người đều không được tôn trọng nhau, người vợ không được người chồng tôn trọng, người chồng cũng không được ngươi vợ tôn trọng. Lúc này mục đích trong hôn nhân không đạt được, do đó có thể làm đơn thuận tình ly hôn.
– Không phải ly hôn giả tạo nhằm trốn tránh nghĩa vụ với bên thứ 3
Ly hôn giả tạo “là việc lợi dụng ly hôn để trốn tránh nghĩa vụ tài sản, vi phạm chính sách, pháp luật về dân số hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích chấm dứt hôn nhân”.
Theo đó, trường hợp vợ hoặc chồng mà ly hôn để trốn tránh nghĩa vụ tài sản với bên thứ 3 hoặc các hình thức vi phạm pháp luật khác thì sẽ không được Tòa án giải quyết. Tuy nhiên để phát hiện ra việc ly hôn giả tạo là rất khó, cơ quan chức năng phải xem xét các yếu tố liên quan, có sự tố giác, phản ánh hoặc đơn trình báo, yêu cầu không công nhận giải quyết đơn ly hôn đó,…
Trường hợp vợ chồng có quyền hoặc nghĩa vụ tài chính đối với bên thứ 3 thì cần phải thỏa thuận về việc thực hiện nghĩa vụ đó. Ví dụ: Vợ chồng đang nợ người thứ 3 một số tiền là 200 triệu đồng, khi ly hôn thuận tình thì vợ chồng cũng phải giải quyết nghĩa vụ tài chính này, trường hợp chưa có điều kiện để trả nợ thì vợ chồng có thể thỏa thuận để một hoặc các bên thực hiện nghĩa vụ hoặc mỗi người chịu trách nhiệm một nửa.
– Đã thỏa thuận được các vấn đề về tài sản, con cái
Đây là vấn đề quan trọng của quá trình ly hôn, việc thỏa thuận ai sẽ là người nuôi dưỡng con cái sau ly hôn, thỏa thuận chia tài sản ly hôn là yếu tố quyết định để Tòa án giải quyết vụ việc. Trường hợp cả vợ chồng thỏa thuận được các vấn đề tài sản, con cái thì Tòa án sẽ giải quyết đơn thuận tình ly hôn đó một cách nhanh chóng.
Tuy nhiên, trong trường hợp vợ chồng không thỏa thuận được vấn đề tài sản, con cái sau khi ly hôn thì Tòa án sẽ áp dụng chia tài sản và giao con nuôi theo quy định pháp luật, căn cứ vào nhiều yếu tố khách quan khác nhau để Tòa án chia tài sản và giao quyền nuôi con cho một trong các bên.
Sự thỏa thuận phải bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ, con
Trong thỏa thuận ly hôn, chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng và giáo dục con cái thì thỏa thuận đó phải bảo đảm được quyền lợi chính đáng của vợ con.
2. Hồ sơ thủ tục ly hôn thuận tình cần những giấy tờ gì?
Giấy tờ, hồ sơ ly hôn thuận tình bao gồm: Đơn ly hôn, giấy tờ tùy thân của vợ chồng (chứng minh thư/căn cước công dân), sổ hộ khẩu, giấy chứng nhận đăng ký kết hôn, giấy tờ tùy thân của con cái, giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản chung vợ chồng.
– Đơn ly hôn: Các bạn soạn đơn ly hôn theo mẫu mới nhất. Các bạn có thể ra tiệm photocopy để mua đơn ly hôn theo mẫu, hoặc liên hệ đến Tòa án để mua đơn ly hôn theo mẫu mới nhất.
– Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn: Các bạn nộp bản chính giấy chứng nhận đăng ký kết hôn cho Tòa án, trường hợp bị mất giấy chứng nhận đăng ký kết hôn thì liên hệ đến Ủy ban nhân dân nơi lúc trước cấp giấy chứng nhận đăng ký kết hôn để yêu cầu cấp lại, hoặc liên hệ đến Ủy ban nhân dân nơi vợ chồng bạn đang thường trú, sinh sống để yêu cầu cấp giấy chứng nhận đăng ký kết hôn.
– Giấy tờ tùy thân của vợ chồng: Các bạn chuẩn bị bản sao có công chứng/chứng thực chứng minh nhân dân hoặc bản sao thẻ căn cước công dân của vợ chồng còn giá trị sử dụng.
– Sổ hộ khẩu: chuẩn bị bản sao công chứng/chứng thực sổ hộ khẩu gia đình bạn
– Giấy tờ tùy thân của con cái: Trường hợp vợ chồng có con chung thì cần nộp giấy tờ tùy thân của người con đó cho Tòa án. (Giấy khai sinh/ hoặc chứng minh thư/ căn cước công dân,… là bản sao có công chứng/ chứng thực)
– Giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu tài sản: Trường hợp vợ chồng có tài sản chung thì cần nộp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản cho Tòa án (nộp bản sao có công chứng hoặc chứng thực hợp pháp).Ví dụ như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
3. Quy trình thủ tục ly hôn thuận tình 2023 mới nhất
Bước 1: Làm đơn ly hôn thuận tình và gửi đến Tòa án
Sau khi chuẩn bị đầy đủ các loại giấy tờ và hồ sơ nêu trên thì các bạn soạn đơn ly hôn và gửi đến Tòa án, kèm theo các loại giấy tờ đã chuẩn bị trước đó.
Tại khoản 1 Điều 396 và khoản 2 Điều 362 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định về nội dung đơn ly hôn phải bao gồm các nội dung chính sau đây:
“Điều 362. Đơn yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự
2. Đơn yêu cầu phải có các nội dung chính sau đây:
a) Ngày, tháng, năm làm đơn;
b) Tên Tòa án có thẩm quyền giải quyết việc dân sự;
c) Tên, địa chỉ; số điện thoại, fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của người yêu cầu;
d) Những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết và lý do, mục đích, căn cứ của việc yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự đó;
đ) Tên, địa chỉ của những người có liên quan đến việc giải quyết việc dân sự đó (nếu có);
e) Các thông tin khác mà người yêu cầu xét thấy cần thiết cho việc giải quyết yêu cầu của mình;
g) Người yêu cầu là cá nhân phải ký tên hoặc điểm chỉ….” 1.
Trong đơn ly hôn, các bạn cần ghi rõ các thỏa thuận về tài sản, con cái, nghĩa vụ tài chính đối với người thứ 3 (nếu có). Trường hợp không thỏa thuận được việc chia tài sản và người nuôi con thì có thể yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định pháp luật.
Về thẩm quyền của Tòa án giải quyết ly hôn, các bạn gửi đơn đến Tòa án nơi vợ chồng bạn đang sinh sống hoặc nơi vợ chồng bạn đăng ký hộ khẩu thường trú. Hoặc gửi đến Tòa án nơi một trong 2 người đang sinh sống.
Ví dụ: Người chồng hiện đang sinh sống ở Quận 5 TPHCM, người vợ hiện đang sinh sống ở Quận 6 TPHCM. Khi nộp đơn ly hôn thì có thể gửi đơn đến Tòa án nhân dân quạn 5 hoặc Tòa án nhân dân Quận 6 đều được.
Lưu ý: Trong trường hợp ngươi vợ đang mang thai, hoặc mới sinh con xong, hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì người chồng không có quyền nộp đơn ly hôn. Do vậy, trong trường hợp này nếu như vợ chồng bạn thực sự muốn ly hôn thì phải do người vợ đi nộp đơn mới được Tòa án thụ lý.
Bước 2: Nộp tiền tạm ứng lệ phí/ án phí cho Tòa án
Sau khi nộp đơn ly hôn đến Tòa án thì bạn sẽ nhận được thông báo tạm ứng lệ phí/ án phí, lúc này bạn hãy đi đóng tạm ứng lệ phí/ án phí cho Tòa án. Án phí thường cao hơn lệ phí.
Trường hợp vợ chồng đã thỏa thuận được việc chia tài sản và nuôi con thì lúc này không có tranh chấp xảy ra, được gọi là việc dân sự, do đó đương sự sẽ nộp lệ phí (khoảng 300.000đ)
Trường hợp vợ chồng chưa thỏa thuận được chia tài sản và nuôi con và có tranh chấp xảy ra thì lúc này vụ việc đó được gọi là vụ án dân sự, do vậy đương sự sẽ nộp án phí (tùy theo giá trị tài sản tranh chấp mà án phí sẽ khác nhau).
Tòa án căn cứ vào biên lại tạm ứng án phí để xác định thời điểm thụ lý đơn yêu cầu, nghĩa là sau khi bạn đóng tạm ứng lệ phí/ án phí thì Tòa án mới chính thức thụ lý đơn yêu cầu ly hôn của đương sự.
Nộp tạm ứng án phí bao nhiêu? Trường hợp vợ chồng đã thỏa thuận được việc chia tài sản thì nộp tạm ứng lệ phí 300.000đ, trường hợp chưa thỏa thuận được chia tài sản mà nhờ Tòa án chia tài sản thì căn cứ vào giá trị tài sản chung của vợ chồng mà mức án phí sẽ khác nhau.
Ai là người nộp tạm ứng án phí/ lệ phí? Đối với trường hợp vợ chồng đã thỏa thuận được việc chia tài sản thì mỗi bên nộp lệ phí 150.000đ. Đối với trường hợp vợ chồng chưa thỏa thuận được chia tài sản và nhờ Tòa án chi tài sản thì người đi nộp đơn sẽ là người nộp tạm ứng án phí.
Nộp tạm ứng án phí ở đâu? Các bạn có thể nộp tạm ứng án phí/ lệ phí trực tiếp Cục thi hành án dân sự cùng cấp với cấp Tòa án mà bạn nộp đơn. Ví dụ bạn nộp đơn ly hôn đến Tòa án dân nhân quận 5 TPHCM thì bạn nộp tạm ứng án phí/ lệ phí ở chi cục thi hành án dân sự Quận 5.
Sau khi nộp án phí/ lệ phí thì bạn mang hóa đơn đó đến Tòa án nơi bạn nộp đơn ly hôn, lúc này Tòa án căn cứ vào hóa đơn đó để thụ lý giải quyết yêu cầu của bạn.
Bước 3: Tham gia thủ tục hòa giải bắt buộc
Theo uy định pháp luật thì trước khi giải quyết vụ việc ly hôn, Tòa án phải mở phiên họp để hòa giải công khai, giải thích quyền và nghĩa vụ của mỗi bên sau khi ly hôn,…
Trong vụ việc ly hôn thì có thể hòa giải tại cơ sở là không bắt buộc ( hòa giải tại cơ sở là hòa giải tại ấp, xã, phường nhằm hàn gắn tình cảm vợ chồng). Tuy nhiên hòa giải tại Tòa án là bắt buộc, “Thẩm phán phải tiến hành hòa giải để vợ chồng đoàn tụ; giải thích về quyền và nghĩa vụ giữa vợ và chồng, giữa cha, mẹ và con, giữa các thành viên khác trong gia đình, về trách nhiệm cấp dưỡng và các vấn đề khác liên quan đến hôn nhân và gia đình” 2.
Trong quá trình hòa giải, nếu hòa giải thành công thì Thẩm phán sẽ lập biên bản ghi hòa giải thành công và công nhận hòa giải thành công. Đồng thời đình chỉ giải quyết vụ việc ly hôn.
Trường hợp hòa giải không thành công thì Thẩm phán lập biên bản hòa giải không thành, sau đó ra quyết định chuẩn bị tiến hành các thủ tục ly hôn theo quy định pháp luật.
Bước 4: Tham gia thủ tục ly hôn tại Tòa án
Sau khi hòa giải không thành thì Tòa án sẽ tiến hành thủ tục xét xử, giải quyết đơn yêu cầu ly hôn của đương sự.
Trong quá trình giải quyết thủ tục ly hôn sẽ được diễn ra theo 2 hướng như sau:
– Trường hợp đương sự đã thỏa thuận được về việc chia tài sản và người nuôi con (người nuôi con phải đảm bảo quyền lợi cho con) thì Tòa án sẽ tiến hành thủ tục ly hôn theo quy định pháp luật, căn cứ theo thỏa thuận của cac bên mà giải quyết.
– Trường hợp vợ chồng không thỏa thuận được về chia tài sản, người nuôi con thì Tòa án sẽ tiến hành thủ tục ly hôn, đồng thời tiến hành thêm giai đoạn chia tài sản và giao người nuôi con trực tiếp sau ly hôn theo quy định pháp luật như sau:
+ Chia tài sản riêng: Tài sản riêng của ai thì Tòa án sẽ chia cho người đó 100% giá trị tài sản. Tài sản riêng là tài sản có trước hôn nhân, tài sản được tặng, cho riêng vợ, chồng,…
+ Chia tài sản chung: Tài sản chung thì Tòa án sẽ chia đều 50-50, tuy nhiên có xét đến các yếu tố như: Lỗi thuộc về ai thì được chia ít hơn, người nào đóng góp công sức nhiều hơn thì được chia nhiều hơn, sau khi ly hôn mà bên nào có hoàn cảnh nghèo hơn thì ưu tiên chia nhiều hơn cho bên đó, đồng thời bảo đảm cho mỗi bên ổn định trong kinh doanh tiếp tục tạo ra thu nhập.
+ Giao người nuôi con: Căn cứ để Tòa án giao quyền nuôi con là người đó bảo đảm được quyền lợi về mọi mặt của con. Trường hợp con dưới 36 tháng tuổi thì Tòa án sẽ giao cho người mẹ trực tiếp nuôi con, trường hợp con trên 7 tuổi thì Tòa án sẽ hỏi ý kiến của người con muốn ở với ai.
Bước 5: Nhận bản án/ quyết định của Tòa án về việc ly hôn thuận tình
Sau khi giải quyết vấn đề ly hôn, chia tài sản, giao quyền nuôi con thì Tòa án sẽ ra một bản án (nếu có tranh chấp về tài sản, tranh chấp quyền nuôi con) hoặc ra một quyết định (nếu không có tranh chấp về tài sản, quyền nuôi con) công nhận việc ly hôn của đương sự.
Sau khi có bản án/quyết định của Tòa án thì chưa có giá trị pháp lý ngay, mà trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày Tòa án ra bản án/ quyết định đó mà không có bên nào kháng cáo để yêu cầu phúc thẩm hoặc không có bên thứ 3 nào tố cáo hình thức ly hôn giả tạo,… Thì bản án/ quyết định ly hôn đó mới có hiệu lực pháp luật.
Sau khi bản án/ quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật thì các bên thực hiện theo thỏa thuận hoặc thực hiện theo bản án/ quyết định của Tòa án, tài sản thuộc về ai thì người đó lấy, ai nuôi con thì mang về nuôi….
Tuy nhiên, cần lưu ý một vấn đề về Quyền lưu cư sau khi ly hôn như sau: “Nhà ở thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng đã đưa vào sử dụng chung thì khi ly hôn vẫn thuộc sở hữu riêng của người đó; trường hợp vợ hoặc chồng có khó khăn về chỗ ở thì được quyền lưu cư trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày quan hệ hôn nhân chấm dứt, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác” 3.
Như vậy, trên đây là quy trình thủ tục ly hôn thuận tình 2023 cập nhật mới nhất, nếu các bạn đang muốn ly hôn thuận tình thì hãy chuẩn bị các loại giấy tờ nêu trên, đồng thời soạn đơn và gửi đến Tòa án theo thẩm quyền để được giải quyết nhanh chóng. Chúc các bạn thành công!
Tìm hiểu thêm:
– Thế nào là bằng chứng ngoại tình có giá trị pháp lý khi ly hôn?
– Tin nhắn có được xem là bằng chứng ngoại tình không?
– Người ngoại tình gặp bất lợi khi chia tài sản ly hôn như thế nào?